Thân thế Uyển_Dung

Dòng dõi bình dị

Quách Bố La - Uyển Dung

Hoàng hậu Uyển Dung sinh ngày năm 1904 tại Bắc Kinh, về sửa lại sinh thần bát tự, đổi ngày sinh thành 13 tháng 11 năm 1906, xuất thân gia tộc Quách Bố La thị (郭布罗氏), cũng gọi Quách Giai thị, là một nhánh bộ tộc Đạt Oát Nhĩ gốc Mông Cổ, thuộc Mãn Châu Chính Bạch kỳ.

Gia tộc của Uyển Dung vốn là Bố Đặc Ha (布特哈) của Chính Hoàng kỳ. Bố Đặc Ha, Mãn văn Buteha, là một chế độ Bát Kỳ áp dụng cho những gia tộc thiểu số vùng biên Đông Bắc, các Bố Đặc Ha có Hán ngữ chuyển nghĩa thành đánh cá và săn bắt, vì khi đó các gia tộc thiểu số này có nghĩa vụ dâng sản vật địa phương lên triều đình. Dòng họ Quách Bố La là một trong những thế gia vọng tộc bản cư, đối với tầng lớp bản địa cũng có thể xem là có địa vị đáng kể. Đến đời cao tổ phụ A Lặc Cẩm Na (阿勒锦那), gia đình của Uyển Dung từ Hắc Long Giang dời đến Bắc Kinh, cải thành Mãn Châu Chính Bạch kỳ, trở thành một trong những gia tộc thuộc Kinh kỳ.

Căn cứ Gia tộc gia phả của Uyển Dung, vợ cả của A Lặc Cẩm Na vốn là con gái của Cao Khách Nãi (高喀鼐), là Bố Đặc Ha Chính Bạch kỳ thuộc gia tộc Uy Lặc thị (倭勒氏), mà mẹ cả của A Lặc Cẩm Na lại là em gái của Cao Khách Nãi. Tằng tổ phụ của Uyển Dung, là con trai của A Lặc Cẩm Na, tên Trường Thuận (长顺), về sau cũng nghênh thú 2 người vợ cả đều là cháu gái của Cao Khách Nãi. Ba đời liên tiếp liên hôn cận huyết, các sử gia cho rằng đó là một trong những nguyên nhân khiến Uyển Dung cơ bản có mầm móng bệnh về sau. Từ sau khi nhập kỳ, A Lặc Cẩm Na đảm nhậm Phó Đô thống, con trai duy nhất Trường Thuận về sau quân công hiển hách, nhậm Ô Tô Lý Đài tướng quân (乌苏里台将军), rồi Cát Lâm tướng quân (吉林将军), đến biên giới lãnh nhậm. Sau đó, Trường Thuận được truy tặng Nhất đẳng Khinh xa đô úy (一等轻车都尉), nhập thờ Hiền Lương từ, thoáng chốc gia tộc trở thành một thế hệ công thần. Con trai độc nhất của Trường Thuận, tên Tây Lâm Bố (西林布), cũng là tổ phụ của Uyển Dung. Đương thời Tây Lâm Bố chỉ làm đến chức Thị vệ, hôn nhân xoay trong vòng giai cấp Bố Đặc Ha Bát Kỳ, vẫn chưa thể gia nhập hôn nhân cao quý của các gia tộc chốn Kinh kỳ.

Gia thế phấn chấn

Thân phụ của Uyển Dung là Vinh Nguyên (荣源), con trai thứ ba của Tây Lâm Bố, sinh năm Quang Tự thứ 10, sang năm Quang Tự thứ 30, tổ phụ Trường Thuận chết bệnh, Vinh Nguyên đặc cách trọng thừa, từ Nhất phẩm Ấm sinh, trực tiếp lấy Lang trung thụ dùng. Đến lúc này, Vinh Nguyên đem cả nhà Quách Bố La thị bước vào luân hồi hôn nhân với danh môn vọng tộc.

Uyển Dung cùng cô giáo người Anh, Isabel IngramReginald Johnston.

Cả bốn vị phu nhân của Vinh Nguyên, đều xuất thân danh môn. Vợ cả của Vinh Nguyên, nguyên phối thê tử, xuất thân từ Mãn Châu Chính Hoàng kỳ Bát Nhĩ Tế Cát Đặc thị đại gia tộc, con gái của Bạn sự Đại thần Thụy Tuân (瑞洵), cháu chắt nội của Đại học sĩ Kỳ Thiện (琦善), gia tộc này nhiều đời đều làm quan to, cực kỳ hiển hách. Vị Bát Nhĩ Tế Cát Đặc thị này cưới Vinh Nguyên, không sinh dục mà qua đời, Vinh Nguyên bèn cưới kế thê, là mẹ đẻ của Uyển Dung. Vị kế thê này thuộc bộ tộc Ái Tân Giác La, cháu gái của Định Thận Quận vương Phổ Hú, con gái thứ tư của Bối lặc Dục Trưởng (毓長)[2], vì vậy còn được gọi là Tứ cách cách (四格格), sinh ra anh trai Nhuận Lương (潤良) cùng Uyển Dung. Sau khi Tứ cách cách mất, Vinh Nguyên lại cưới con gái cả của Duệ vương phủ Duệ Kính Thân vương Khôi Bân (魁斌), thế xưng Đại cách cách (大格格), nhưng vị Đại cách cách này mệnh cũng không lớn, chỉ vừa qua cửa phủ không lâu sau thì qua đời.

Cuối cùng, Vinh Nguyên hôn thú cháu gái của Định Thận Quận vương Phổ Hú, là con gái thứ hai của Bối lặc Dục Lãng (毓朗), nên còn được gọi là Nhị cách cách (二格格)[3], tên bà là Hằng Hương (恆香). Sau khi sinh hạ Uyển Dung, Tứ cách cách cũng qua đời do sốt sản hậu, từ đó Uyển Dung được nuôi dạy bởi mẹ kế Hằng Hương mà lớn lên. Anh trai Nhuận Lương, về sau cưới em gái lớn của Phổ Nghi là Uẩn Anh và một em trai khác mẹ là Nhuận Kỳ (潤麒), về sau cưới em gái thứ ba của Phổ Nghi là Uẩn Dĩnh.

Bối lặc Dục Lãng, là một trong “Nhị vương Tam bối lặc”[4] thời Thanh mạt tuy vài điểm có cổ hủ, song phần nhiều vẫn rất cởi mở với Tây học. Ông có bảy con gái, về sau đều cật lực khuếch trương Tây học đầu thời Dân quốc, do đó Hằng Hương cơ bản cũng loại này Tây học thuần nhuyễn. Thân phụ của Uyển Dung, ông Vinh Nguyên, là một quý tộc Mãn nhưng có tư tưởng khoáng đạt, quan điểm nam nữ bình đẳng, cho phép con gái được tiếp thu giáo dục như các con trai, cộng với Hằng Hương cũng rất Tây học, ta có thể hình dung môi trường tiếp xúc văn hóa Tây từ rất sớm trong gia đình Uyển Dung. Bên cạnh đó, các con gái của Dục Lãng vốn lấy nhiều quan viên cao cấp trong Nội vụ phủ, điều đó khiến tài nguyên của vị Bối lặc này rất khá giả, do đó cũng kéo theo gia đình của Vinh Nguyên.

Thuở nhỏ, Uyển Dung sống cùng gia đình ở Thiên Tân, được mẹ kế Hằng Hương chú tâm dạy dỗ các quy tắc truyền thống, lại hưởng một tuổi thơ đầy đủ vật chất do chính nhà Bối lặc mang lại. Quan hệ giữa bà và mẹ kế vô cùng tốt, tựa như mẹ con ruột vậy, không hề có bất kì mâu thuẫn phát sinh nào. Ở tuổi thiếu niên, Uyển Dung được cho học ở một ngôi trường do Giáo hội Cơ đốc Mỹ thành lập, bà theo học tiếng Anh, sau lại học đàn piano, đặc biệt Uyển Dung rất hâm mộ nhạc jazz. Ngoài ra, gia đình còn mời một số gia sư riêng cho bà, dạy cả kiến thức, âm nhạc, hội họa phương Tây. Trong số đó có cả một gia sư người Mỹ sinh tại Trung Quốc là bà Isabel Ingram dạy tiếng Anh. Chính vị gia sư này đã đặt tên tiếng Anh cho bà là Elizabeth.